dich vu sua dien lanh tai nha

Thị trường máy nước nóng lạnh

Khoảng 50% nhãn hiệu máy nước nóng điện có mặt trên thị trường hiện nay là sản phẩm chính hãng và có trung tâm bảo hành sản phẩm. 50% còn lại là hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, hàng cũ và chưa qua kiểm định chất lượng. Hầu như năm nào cũng có người chết vì máy nước nóng.

Đó là thông tin từ giới kinh doanh siêu thị điện máy trên địa bàn TP HCM.

Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng TP HCM cũng thừa nhận, hiện nay chỉ kiểm soát được chất lượng của một phần sản phẩm ngoại do nhà nhập khẩu mang đến kiểm định. Còn nhiều nhãn hiệu khác được sản xuất và nhập từ nước ngoài không qua quá trình kiểm định ở trong nước. Phía cơ quan quản lý thị trường cũng chưa có những đợt kiểm tra đột xuất nào để đánh giá chất lượng các loại máy nước nóng điện đang được bán trên thị trường.

thi-truong-may-nuoc-nong

Trong khi đó, hàng năm liên tục vẫn có những trường hợp máy nước nóng điện bị “mát” gây ra cái chết cho người tiêu dùng. Năm 2003 bà Mitermair Veronika sinh năm 1963, người Italy, Giám đốc dự án thư viện trường Apollo chết tại nhà trọ số 8/33 Đinh Tiên Hoàng, quận 1, TP HCM, do bị điện giật từ máy nước nóng hiệu Faco. Năm 2004 có ít nhất 3 trường hợp người chết do điện giật từ máy nước nóng điện, hầu hết là khách du lịch nước ngoài. Mới đây, ngày 13/4, chị Huỳnh Thiên Nga đã thiệt mạng do máy nước nóng điện hiệu Ariston tại Đà Lạt.

Sau những tai nạn này, việc xác định nguyên nhân để tìm ra những ai sẽ chịu trách nhiệm là khá khó khăn đối với các cơ quan chức năng. Giới kinh doanh cho biết hầu hết các tai nạn chết người trước đây đều có nguyên nhân từ máy nước nóng điện cũ, không còn thời gian bảo hành hoặc không còn bán trên thị trường, nên việc các cơ quan chức năng tìm nhà sản xuất để truy cứu trách nhiệm là không thể. Trách nhiệm dễ “quy” nhất là chủ nhà cho thuê đã để xảy ra sự cố này.

Trong trường hợp tai nạn của chị Huỳnh Thiên Nga, ông Nguyễn Trọng Hiếu, Trưởng phòng kỹ thuật Công ty MTS – nhà phân phối máy nước nóng Ariston – cho rằng có thể chiếc máy nước nóng gây tai nạn cho chị Nga được lắp đặt không đúng kỹ thuật, cụ thể là không dùng dây nối tiếp đất nên khi mạch điện bị hở, điện đã truyền qua nước.

Ông Phan Trí Đức, Trưởng phòng Kỹ thuật hình sự, Công an Lâm Đồng cho biết, chiếc máy nước nóng gây tai nạn đang được giám định. Hiện chưa thể kết luận nguyên nhân gây nhiễm điện là do khâu sản xuất hay khâu lắp đặt nên cũng chưa thể quy trách nhiệm cho một đầu mối nào.

Đại diện doanh nghiệp tư nhân Đại Lộc Phát, nhà phân phối nhãn hiệu máy nước nóng Legend (Malaysia) cho rằng trách nhiệm của nhà phân phối hàng là chỉ phân phối, còn công tác kiểm định thuộc trách nhiệm của nhà nhập khẩu. Nhà phân phối này hầu như không có khái niệm về việc đưa sản phẩm đến kiểm định.

Gần đây, quả bóng trách nhiệm đang có chiều hướng bị đá qua chân người tiêu dùng. Các nhà nhập khẩu và phân phối nhận định nguyên nhân chính dẫn đến các tai nạn trên là trục trặc kỹ thuật hay hỏng hóc. Ông Hoàng Hùng, quản lý vùng của công ty TNHH xuất nhập khẩu Thương mại dịch vụ IPIX, đơn vị nhập và phân phối máy nước nóng hiệu Centon cho biết, nguồn nước bẩn và nhiễm phèn là nguyên nhân chính gây hỏng hóc và làm giảm tuổi thọ của máy nước nóng. Theo ông Hùng, rất nhiều gia đình sử dụng máy trong nhiều năm mà không chú ý đến bảo dưỡng, chỉ đến khi máy không còn hoạt động nữa mới tìm thợ để sửa chữa.

Ngoài ra, một số sai sót trong quy trình lắp đặt cũng gây nguy hiểm cho người sử dụng. Theo ông Hà Trọng Thành, trưởng phòng kỹ thuật công ty TNHH xây dựng thương mại Sài Gòn 3, đơn vị nhập và phân phối máy nước nóng nhãn hiệu Atmor, các lỗi khi lắp đặt là thiếu dây tiếp đất và không có thiết bị chống rò điện (ELCP). Nếu người sử dụng hoặc thợ không có chuyên môn lắp đặt thì mức độ nguy hiểm rất cao. Trong các máy nước nóng trực tiếp đều có thiết bị ELCP, người sử dụng nên thường xuyên sử dụng chức năng kiểm tra của thiết bị này để bảo đảm an toàn. Nếu có hiện tượng rò rỉ điện, lập tức dòng điện vào máy sẽ được ngắt.

“Tùy theo mức độ sử dụng mà khách hàng phải thường xuyên có chế độ bảo trì, bảo dưỡng hợp lý”, ông Hoàng Hùng cho biết. Thông thường sau 3 đến 6 tháng, người sử dụng nên kiểm tra lại toàn bộ hệ thống điện, nước và gọi cho trung tâm bảo hành đến kiểm tra lại các thiết bị điện bên trong máy. Nhưng có những khách hàng nói họ không được hướng dẫn điều này khi mua máy.

Còn theo ông Thành, máy nước nóng gián tiếp không sử dụng ELCP nên khi sử dụng, khách hàng cần lắp riêng thiết bị này. Ngoài ra, để an toàn khi sử dụng loại máy nước nóng trực tiếp, khách hàng nên ngắt cầu dao điện khi nước đã đủ nóng.

Có những trường hợp người tiêu dùng đề nghị tự lắp đặt tại nhà không thông qua nhân viên kỹ thuật của nhà sản xuất, nhưng vẫn được đáp ứng. Một nhân viên bán hàng tại siêu thị điện máy Chợ Lớn nói: “Sản phẩm có kèm theo catalog và hướng dẫn lắp đặt nên người mua có thể tự lắp tại nhà được”. Còn ông Nguyễn Thành Nhân, Trợ lý marketing Trung tâm mua sắm Sài Gòn, thì cho rằng do khối lượng khách hàng quá lớn trong khi số lượng nhân viên kỹ thuật của trung tâm lại ít, nên nếu khách hàng yêu cầu tự lắp đặt thì trung tâm rất “hoan nghênh”.

Phan Anh – Việt Hòa
(Theo VnExpress)

Bài viết liên quan
Website: Dịch Vụ Sửa Điện Lạnh Tại Nhà
Được quản lý bởi: CTY TNHH DV KT CƠ ĐIỆN LẠNH SỐ ĐỎ
Điện thoai: 028.6670.4444 or 028.2217.5555
GPĐKKD: 0311593828. Do Sở KH & ĐT TP.HCM Cấp ngày 03/03/2012