Trong mỗi gia đình chúng ta hiện nay, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang là yếu tố cấp bách và cần thiết. Để đảm bảo bữa ăn được ngon miệng hơn và tránh được các bệnh ngoài ý muốn thì có những gợi ý dưới đây để mọi người cùng tham khảo.
- Những món nước uống hấp dẫn trong những ngày hè
- Tại sao ngăn lạnh của tủ lạnh có đèn còn ngăn đá lại không có
- Bảo quản thuốc trong tủ lạnh
Cách giữ vệ sinh an toàn thực phẩm
1/ Rửa tay sạch sẽ
- Vệ sinh cá nhân thật sạch trước, trong và sau khi nấu bếp để tránh thức ăn bị nhiễm khuẩn là một trong những yêu cầu rất quan trọng. Rửa tay dưới vòi nước sạch bằng xà bông hoặc dung dịch rửa tay diệt khuẩn. Nhớ rửa cả mu bàn tay, kẽ ngón, dưới móng và phải lau khô tay vì tay ướt, vi khuẩn dễ lây lan hơn.
2/ Vệ sinh nhà bếp và đồ dùng nấu nướng
- Trước khi chế biến thực phẩm, cần làm sạch mặt bàn nhà bếp nơi sẽ bày thức ăn, nấu nướng, chặt, thái thực phẩm, cũng như các dụng cụ nấu bếp như bồn rửa, dao, thớt, nồi, chảo, chén, đĩa, tô…. Những đồ vật này nên được cọ rửa sạch sẽ và sử dụng thuốc tẩy để làm sạch mỗi ngày hoặc ít nhất là mỗi tuần một lần, nhằm loại trừ hết vi khuẩn. Mỗi ngày nhớ giặt sạch khăn lau chén, nhất là miếng xốp rửa chén vì đây là nơi trú ngụ của vi khuẩn và nên thay mới mỗi tháng một lần. Bạn cần phải đảm bảo rằng sẽ không có thức ăn bị mắc kẹt trong những góc khuất.
3/ Để riêng thực phẩm tươi sống
- Thực phẩm tươi sống thường chứa nhiều vi khuẩn gây hại và có thể dễ lây lan. Vì vậy khi chế biến, sử dụng thớt, đĩa đựng và hộp chứa riêng cho thức ăn tươi sống và thức ăn đã nấu chín. Khi đi chợ hoặc siêu thị, không để thực phẩm tươi sống chung với bất kỳ đồ vật, trái cây hoặc thức ăn đã chế biến. Dùng bao bọc kỹ, không để nước tiết ra dính vào những thực phẩm khác. Khi cho thức ăn tươi sống vào ngăn mát tủ lạnh, phải để trong hộp chứa hoặc bao nhựa nhằm tránh không nhiễu nước.
4/ Dùng nước sạch, an toàn để chế biến thức ǎn đồ uống và rửa dụng cụ
- Sử dụng nước máy, nước giếng, nước mưa, sông suối… đã qua xử lý hoặc lắng lọc. Nước phải trong, không màu, không mùi, không vị. Dụng cụ chứa nước phải bảo đảm sạch, không được có rêu bẩn bám xung quanh hoặc ở đáy, có nắp đậy kín, dễ cọ rửa và nên có vòi để lấy nước. Bình đựng nước uống phải bằng vật liệu chuyên dùng chứa đựng thực phẩm theo quy định của ngành y tế, rửa sạch hàng ngày và tráng lại bằng nước sôi. Tuyệt đối không dùng cốc chén múc nước hoặc uống trực tiếp vào bình đựng nước uống.
5/ Nấu chín thức ăn ở nhiệt độ thích hợp
- Cần nấu chín thức ăn với nhiệt độ thích hợp để loại trừ mầm bệnh. Nấu xong nếu chưa ăn, giữ nóng thức ăn ở nhiệt độ khoảng 600C, vì thức ăn nguội thì vi khuẩn dễ xâm nhập. Ngoài ra, khi ướp thức ăn, dù trong thời gian ngắn một- hai giờ, không nên để bên ngoài bếp mà phải cho vào tủ lạnh, đem ra trước khi nấu khoảng 15 phút.
6/ Ăn ngay sau khi thức ăn vừa nấu xong hoặc vừa chuẩn bị xong
- Thức ăn chín để nguội ở nhiệt độ bình thường dễ bị vi khuẩn xâm nhập và phát triển. Để đảm bảo an toàn nên ăn ngay khi thức ăn còn nóng vừa nấu chín xong. Đối với các thực phẩm không cần nấu chín như chuối, cam, dưa và các loại quả khác thì cần ăn ngay sau khi vừa bóc hay vừa cắt ra.
7/ Sử dụng vật liệu bao gói thực phẩm sạch sẽ, thích hợp và đạt tiêu chuẩn vệ sinh
- Không sử dụng sách, báo cũ để gói thức ăn chín. Đồ bao gói phải đảm bảo sạch, giữ được tính hấp dẫn về mùi vị, màu sắc và không thấm chất độc vào thực phẩm.
8/ Kiểm tra hạn sử dụng
- Trước khi bảo quản thực phẩm, cần kiểm tra hạn sử dụng để bảo quản đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Trước khi dùng cũng phải kiểm tra để xem thực phẩm còn hạn sử dụng hay không. Ngoài ra, cũng nên lưu ý kỹ hạn sử dụng sau khi mở bao bì, thường rất ngắn dù hạn sử dụng vẫn còn. Bạn nên đọc nhãn mác trên bao bì của các sản phẩm đóng gói, để có thêm kiến thức về các loại thực phẩm đang dùng. Nhãn thực phẩm phải trung thực, có đầy đủ thông tin cần thiết như tên sản phẩm, trọng lượng, các thành phần chính, cách bảo quản, sử dụng, nơi sản xuất, chế biến, có số đăng ký sản xuất, thời hạn sử dụng.
9/ Bảo quản trong tủ lạnh
- Nhiệt độ lạnh làm chậm sự tăng trưởng vi khuẩn, vì vậy làm lạnh thức ăn nhanh chóng và đúng cách rất quan trọng nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm. Thức ăn còn thừa phải cho vào hộp sạch, bảo quản trong tủ lạnh. Để ngăn ngừa vi khuẩn sinh sôi, có thể chia thức ăn thành nhiều phần nhỏ để mau lạnh. Không “chất đống” thức ăn trong tủ lạnh vì khí lạnh khó lưu thông ảnh hưởng đến chất lượng bảo quản.
10/ Thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, giữ gìn môi trường sống sạch sẽ
- Thực hiện các biện pháp diệt ruồi, gián, chuột … và hướng dẫn vệ sinh phòng chống các dịch bệnh theo chỉ đạo của ngành Y tế. Rác thải phải đựng vào thùng kín có nắp đậy, đổ đúng giờ và đúng nơi quy định.